Ticker

6/recent/ticker-posts

Châu Âu chìm vào khủng hoảng khi chiến sự Ukraine kéo dài

Sau 2 năm lao đao vì Covid-19, kinh tế châu Âu lẽ ra đã quay về trạng thái bình thường mới nếu không có xung đột Nga - Ukraine.

2022 lẽ ra là một năm khởi sắc với châu Âu. Người dân được kỳ vọng chi tiêu mạnh tay sau 2 năm chìm trong đại dịch, nhờ các chương trình hỗ trợ hào phóng của chính phủ.

Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi vào ngày 24/2, khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Quá trình bình thường hóa đã không thể diễn ra. Thay vào đó, châu Âu càng chìm sâu trong khủng hoảng.

Suy thoái kinh tế tại đây gần như là điều chắc chắn. Lạm phát đã lên hai con số. Viễn cảnh thiếu năng lượng mùa đông cũng đang đến rất gần. Tình hình được dự báo còn tệ hơn nữa rồi mới tươi sáng hơn trong năm tới.

"Khủng hoảng giờ là trạng thái bình thường mới", Alexandre Bompard - CEO hãng bán lẻ Carrefour nhận định, "Điều chúng ta quen thuộc suốt hàng thập kỷ qua - lạm phát thấp, ngoại thương sôi động - giờ đã biến mất".


Người dân mua sắm trong một siêu thị tại London (Anh). Ảnh: Reuters

Thay đổi này diễn ra rất nhanh. Chỉ mới một năm trước, phần lớn nhà phân tích dự báo tăng trưởng châu Âu năm nay là gần 5%. Còn giờ đây, họ cho rằng châu Âu sẽ suy thoái vào mùa đông.

Các hộ gia đình và doanh nghiệp đều đang phải chịu tác động từ chiến sự, như giá lương thực và năng lượng cao. Hiện tại, ảnh hưởng còn trầm trọng hơn do hạn hán và mực nước sông xuống thấp kìm hãm vận chuyển.

Với 9%, lạm phát tại eurozone hiện cao nhất 50 năm, bóp nghẹt tiêu dùng của người dân khi thu nhập phải dồn cho xăng, khí đốt và lương thực thiết yếu. Doanh số bán lẻ đã lao dốc vài tháng qua. Hồi tháng 6, doanh số bán lẻ tại khu vực này giảm gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đức dẫn đầu với mức giảm 9%.

Người tiêu dùng đang chuyển sang các chuỗi cửa hàng giảm giá, từ bỏ hàng hóa cao cấp. Họ cũng bắt đầu bỏ qua một số sản phẩm. "Cuộc sống đang ngày càng đắt đỏ. Người tiêu dùng cũng lưỡng lự khi chi tiêu", Robert Gentz - đồng CEO hãng bán lẻ Zalando (Đức) cho biết trước báo giới.

Các doanh nghiệp đến nay vẫn đang ứng phó tốt, nhờ khả năng định giá do chuỗi cung ứng gián đoạn. Tuy nhiên, các ngành phụ thuộc nhiều vào năng lượng thì đã bắt đầu gánh hậu quả. Gần nửa cơ sở nung chảy kẽm và nhôm tại châu Âu đang đóng cửa. Phần lớn nhà máy phân bón, vốn phụ thuộc vào khí đốt, cũng đã phải dừng hoạt động.

Du lịch là điểm sáng hiếm hoi, do mọi người chi tiêu phần tiền dành dụm được suốt mùa dịch để tận hưởng mùa hè tự do đầu tiên kể từ năm 2019. Tuy nhiên, kể cả ngành du lịch cũng đang gặp khó do thiếu lao động. Nhiều lao động ngành này đã bị sa thải trong đại dịch và ngần ngại quay lại.

Các sân bay chính, như Frankfurt và London Heathrow thậm chí phải giới hạn số chuyến bay do thiếu nhân viên. Còn tại sân bay Schiphol (Hà Lan), thời gian chờ có thể lên đến 4-5 giờ trong hè này.

Các hãng hàng không cũng chịu chung số phận. Lufthansa (Đức) đã phải xin lỗi khách hàng vì sự hỗn loạn tại sân bay, thừa nhận rằng tình hình khó cải thiện trong ngắn hạn.

Tình hình có thể ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt nếu Nga tiếp tục giảm xuất khẩu khí đốt. "Cú sốc khí đốt hiện tại lớn hơn nhiều, gần như có quy mô gấp đôi cú sốc dầu mỏ thập niên 70", Caroline Bain tại Capital Economics cho biết, "Giá khí đốt tự nhiên giao ngay tại châu Âu tăng 10 - 11 lần trong 2 năm qua".

EU đã công bố kế hoạch tăng tốc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và tránh phụ thuộc vào khí đốt Nga muộn nhất là năm 2027. Tuy nhiên, đây là kế hoạch trong dài hạn. Việc thiếu cung sẽ khiến khu vực này phải cắt giảm 15% khí đốt tiêu thụ trong năm nay.

Dĩ nhiên, họ sẽ phải trả giá nếu muốn độc lập năng lượng. Với người dân, điều đó đồng nghĩa nhiệt độ trong nhà và văn phòng sẽ lạnh hơn. Ví dụ, tại Đức, các địa điểm công cộng chỉ được phép để nhiệt độ 19 độ C mùa đông này, so với 22 độ C trước đây.

Bên cạnh đó, điều này cũng đồng nghĩa chi phí năng lượng cao hơn. Lạm phát cũng lên cao khi khối này phải từ bỏ nguồn cung năng lượng rẻ nhất và lớn nhất.

Với các doanh nghiệp, sản xuất sẽ phải thu hẹp, khiến tăng trưởng đi xuống, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. Giá bán buôn khí đốt tại Đức - nền kinh tế lớn nhất khối - đã tăng gấp 5 trong một năm qua. Người tiêu dùng vẫn đang được bảo vệ bởi các hợp đồng dài hạn. Vì thế, tác động đến nay vẫn khá nhỏ.

Dù vậy, sắp tới, họ sẽ phải trả thuế khí đốt. Và khi các hợp đồng hiện tại chấm dứt, giá trong hợp đồng mới sẽ tăng vọt. Áp lực lạm phát sẽ càng dai dẳng.

Đây là lý do vì sao rất nhiều, nếu không muốn nói là phần lớn nhà kinh tế học nhận định Đức, Italy - hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ 4 châu Âu - sẽ sớm rơi vào suy thoái. Hai nước này phụ thuộc lớn vào khí đốt.

Mỹ đã nâng lãi suất mạnh tay trong vài tháng qua để đối phó lạm phát. Ngược lại, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới nâng lãi một lần, đưa lãi suất quay về mức 0%. Họ cho biết sẽ hành động rất thận trọng, do việc này có thể khiến các nước đi vay nhiều như Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp càng khó trả nợ.

Tuy nhiên, dù bước vào suy thoái, tình hình của châu Âu cũng không quá tệ. Tỷ lệ người có việc làm đang ở mức cao kỷ lục. Các công ty cũng chật vật vì thiếu nhân viên nhiều năm qua.

Việc này cho thấy các doanh nghiệp sẽ không sa thải nhân viên, kể cả khi nền kinh tế đang hướng đến suy thoái. Điều này sẽ giúp duy trì sức mua, khiến suy thoái sẽ chỉ dừng ở mức độ nhẹ.

"Chúng tôi cho rằng tình trạng thiếu lao động sẽ vẫn tiếp diễn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn ở mức thấp kỷ lục và số việc làm đăng tuyển vẫn ở mức cao", Isabel Schnabel - thành viên hội đồng của ECB cho biết trên Reuters, "Có lẽ nếu chúng ta rơi vào suy thoái, các công ty sẽ lưỡng lự sa thải trên diện rộng".

Post a Comment

0 Comments